Theo truyền thống văn hóa của người Việt Nam, lễ cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp là lễ quan trọng đối với mỗi gia đình. Vì thế ngày, giờ, cách cúng ông Công ông Táo như thế nào luôn được mọi người quan tâm và chú trọng.
Theo truyền thống văn hóa của người Việt Nam, lễ cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp là lễ quan trọng đối với mỗi gia đình. Vì thế ngày, giờ, cách cúng ông Công ông Táo như thế nào luôn được mọi người quan tâm và chú trọng.
Theo sự tích dân gian Việt Nam, hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa, Táo quân sẽ quay về hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của các gia đình.
Người xưa cũng cho rằng, sau khi nghe Táo quân bẩm báo, Ngọc Hoàng sẽ căn cứ vào đó để định đoạt, có thể khen thưởng hoặc quở phạt gia chủ. Vì thế, vào ngày 23 tháng Chạp, trước khi Táo quân lên thiên đình, người ta thực hiện nghi lễ cúng ông Táo để các ông “nói tốt“ cho nhà mình.
Vào ngày này, người dân làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Đồng thời, đây cũng là dịp để người người, nhà nhà trở về sum họp, quây quần sau một năm làm ăn vất vả. Tùy theo điều kiện gia đình mà có những mâm cỗ lớn nhỏ khác nhau.
Theo lịch dương năm 2024, tết ông Công ông Táo rơi vào thứ sáu ngày 2/2/2024, tức ngày 23 tháng Chạp năm Quý Mão. Nếu không thể vào đúng ngày 23 tháng Chạp, có thể cúng trước 1 hoặc 2 ngày.
Theo Lịch vạn niên, tháng Chạp năm Quý Mão có 3 ngày đẹp, được cho là mang tới phước lành, may mắn khi tiến hành cúng Táo quân. Cụ thể, ngày giờ đẹp cúng ông Công ông Táo năm 2024 như sau:
Ngày 20 tháng Chạp: Thứ ba (30/1/2024 dương lịch)
Đây được đánh giá là ngày lành cho nghi thức thờ cúng tâm linh, nhất là cúng Táo quân 2024, hứa hẹn mang lại sự bình an, thịnh vượng, thành công kéo dài, may mắn bền vững. Dù là cầu công danh hay cầu tài lộc đều hanh thông, thuận lợi. Mất đồ cũng dễ dàng tìm lại. Người thân ở xa hay gần đều khỏe mạnh, yên vui. Sức khỏe gia chủ thêm tráng kiện, giảm thiểu ốm đau.
Khung giờ đẹp để cúng ông Công ông Táo ngày 20 tháng Chạp:
Giờ Thìn (7h-9h): Công việc, làm ăn phát triển, dù khó khăn, trở ngại vẫn dễ dàng vượt qua. Tiền bạc rủng rỉnh, cuộc sống sung túc, hạnh phúc viên mãn.
Giờ Ngọ (11h-13h): Mọi việc đều thuận lợi, nhân duyên cát lành, gia đạo hòa thuận, vui vẻ.
Giờ Mùi (13h-15h): Mọi việc suôn sẻ, như ý, được quý nhân tương trợ.
Ngày 21 tháng Chạp: Thứ tư (31/1/2024 dương lịch)
Cúng ông Công ông Táo vào ngày này cũng khá phù hợp, mang đến sự bình an trong tâm hồn.
Khung giờ đẹp để cúng ông Công ông Táo ngày 21 tháng Chạp:
Giờ Mão (5h-7h): Tiến hành việc gì cũng được quý nhân tương trợ và giúp đỡ, thành công đến bất ngờ ngoài mong đợi, tốt nhất cho khởi sự mới.
Giờ Ngọ (11h-13h): Việc làm ăn phát triển như diều gặp gió, dù khó khăn đến mấy vẫn vượt qua. Tiền bạc rủng rỉnh, cuộc sống sung túc, hạnh phúc viên mãn.
Giờ Thân (15h-17h): Tiến hành mọi việc đều thuận lợi, nhân duyên cát lành, gia đạo hòa thuận, vui vẻ.
Giờ Dậu (17h-19h): Tiến hành mọi việc suôn sẻ, như ý, được quý nhân tương trợ.
Ngày 23 tháng Chạp: Thứ sáu (2/2/2024 dương lịch)
Thông thường, nên tránh tiến hành những việc quan trọng như cưới hỏi, động thổ... nhưng nếu là việc tâm linh lại có thể được ban phước lành.
Khung giờ đẹp để cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp:
Giờ Thìn (7h-9h): Tiến hành mọi việc thuận lợi, rất tốt cho những nguyện cầu về việc sinh con.
Giờ Tỵ (9h-11h): Tốt nhất cho việc khai trương, làm ăn phát tài, mang về lợi nhuận lớn.
Riêng với giờ Ngọ (11h-13h): Dân gian tương truyền, giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp là thời điểm các vị Thần Bếp quy tụ để chuẩn bị lên trời. Đây được coi là khung giờ thích hợp để đưa tiễn ông Công ông Táo về chầu trời hơn cả (tốt hơn hết là trước 12h trưa).
Tuy nhiên, trong ngày 23 tháng Chạp năm Quý Mão, giờ Ngọ là giờ Hắc đạo Bạch Hổ. Do vậy, tùy quan niệm mỗi gia đình mà chọn ra khung giờ phù hợp, thuận tiện nhất.
Lễ vật cúng Táo quân truyền thống gồm có: mũ ông Công gồm hai mũ Táo ông và một mũ Táo bà. Mũ dành cho Táo ông thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công ông Táo thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Những đồ mã này sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của người Việt.
Với các gia đình cúng chay thuần khiết, mâm cỗ cúng có thể gồm các món canh thập cẩm rau củ hoặc cay măng chay, nem rau củ, đậu phụ sốt nấm cay Tứ Xuyên, giò chay, chả chay, chạo nấm, xôi, chè, nộm, xào thập cẩm rau củ.
Đơn giản hơn nữa có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng chay theo trường phái trí tuệ. Theo đó, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo chỉ gồm: 1 mâm ngũ quả, 3 bát chè, 1 đĩa xôi, hoa tươi, nước, nến đỏ và 3 "ông" cá chép sống. Những người theo trường phái này không dâng cúng và đốt mũ, tiền vàng và cá chép giấy. Khi thắp hương xong, gia chủ sẽ mang cá thả ra sông.
Ngoài ra, mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo bao gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, gà luộc hoặc 1 khổ thịt vai gáy luộc, 1 bát canh, 1 đĩa xào, 1 đĩa giò, 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống), 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa, 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Cũng cách chuẩn bị lễ vật cúng ông Công ông Táo khác, gồm có: Một chiếc lọng màu đỏ có diềm vàng để che nắng che mưa; một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ, mặt bàn được trải tấm vải đỏ, một miếng vải đỏ dài trải dưới đất như miếng thảm đỏ để đưa tiễn Thần Táo Quân.
Trong dịp tết Nguyên đán, mỗi ngày đều có một ý nghĩa tâm linh và thiêng liêng khác nhau. Để trọn vẹn hơn với chư vị thần linh và gia tiên tiền tổ nhà mình, chúng tôi xin giới thiệu bài văn khấn cúng tiễn ông Công, ông Táo mang đầy đủ ý nghĩa tâm linh của người Việt.
*Mọi thông tin trong bài chỉ có tính chất tham khảo!
Thần Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ của Lão giáo Trung Quốc. Nhưng sau đó được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Và người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.
Theo tích của người Việt, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Dù tình cảm mặn nồng tha thiết nhưng họ mãi không có con. Vì vậy lâu dần Trọng Cao hay kiếm chuyện dằn vặt vợ.
Một hôm, Trọng Cao “chuyện bé xé ra to” đánh Thị Nhi và đuổi đi. Thị Nhi bỏ nhà, lang thang rồi gặp được Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Trọng Cao sau khi nguôi giận lại ân hận, nhớ vợ và quyết lên đường đi tìm Thị Nhi.
Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Trọng Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Không ngờ, Trọng Cao lại vào xin ăn đúng nhà của Thị Nhi lúc Phạm Lang đi vắng. Nhận ra người hành khất là chồng cũ, Thị Nhi mời vào nhà nấu cơm cho ăn. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Thị Nhi sợ chồng nghi oan nên giấu Trọng Cao dưới đống rạ sau vườn.
Chẳng may đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Thị Nhi lao vào cứu Trọng Cao ra. Thấy vợ nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.
Thượng đế thương tình thấy ba người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo quân. Người chồng mới làm Thổ công trông coi việc trong bếp. Người chồng cũ làm Thổ địa trông coi việc trong nhà. Còn người vợ làm Thổ kỳ trông coi việc chợ búa.
Không chỉ định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo quân còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.